Tim King Salem-News.com
24-10-2010
Hồi tưởng về thời điểm một cuộc chiến mà hầu hết người Mỹ không thấy quen thuộc.
(SALEM, Oregon) – Trung Quốc đã thất bại trong một cuộc chiến tranh quan trọng trong năm 1979 chống lại Việt Nam, dù rất nhiều người ở phương Tây không hiểu rõ lịch sử quan trọng của nó. Bên phía Việt Nam là việc công nhận hiếm hoi liên quan đến sự tình nguyện của nước này để đánh bại Khmer Đỏ tàn bạo ở quốc gia láng giềng Campuchia, sau chiến tranh của Mỹ tại Đông Nam Á. Còn với Trung Quốc, cuộc xâm lược Việt Nam, chỉ thất bại và rút lui sau 29 ngày, thì cuối cùng họ đã từ bỏ cuộc xâm lược của mình.
Hãy trở lại năm 1970, khi Mỹ đã có sáu năm bước vào cuộc Chiến tranh Việt Nam, là năm mà các lực lượng Mỹ xâm chiếm Campuchia, nước có biên giới giáp với phía bắc và nam Việt Nam. Các lực lượng cộng sản chiến đấu chống lại những đơn vị quân đội Mỹ; quân đội Bắc Việt và du kích Việt Cộng, sử dụng Campuchia như là một nơi ẩn náu và chu chuyển. Họ tiến vào nước này từ phía bắc và lộ diện ở những khu vực phía nam bị Mỹ kiểm soát.
Năm 1973, một lệnh ngừng bắn được kêu gọi ở Việt Nam. Năm 1975, các lực lượng Mỹ cuối cùng đã rút khỏi nước này, chỉ để lại phía sau POW và MIA (tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh).
Lúc đó, toàn bộ Việt Nam đã nằm dưới sự kiểm soát của cộng sản Hà Nội và vẫn như thế kể từ ấy.
Điều thú vị là, Việt Nam có được sự hỗ trợ chủ yếu từ Liên bang Xô Viết trong suốt cuộc chiến tranh với Mỹ, chứ không phải là láng giềng Trung Quốc như một điều hợp lý được mong đợi. Trung Quốc là một người ủng hộ chính quyền lợi của Việt Nam cho tới lúc bắt đầu chiến tranh với Mỹ, đó cũng là năm sự ủng hộ của Trung Quốc với Việt Nam chấm dứt.
Như các thông tin của Wikipedia, đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Minh có một lịch sử lâu đời. Khi Việt Nam chiến đấu chống Pháp năm 1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa thành lập và Việt Minh có được mối quan hệ gần gũi. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và “Nhóm tư vấn quân sự Trung Quốc” dưới sự chỉ đạo của Vi Quốc Thanh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc Việt Minh đánh bại quân đội Pháp.
Quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu tan rã sau cái chết của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin – người chịu trách nhiệm về việc sát hại hàng triệu người Nga. Mao Trạch Đông nói, Nikita Khrushchev đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong một “Bài phát biểu bí mật” lên án Stalin. Những gì thực sự khiến Chủ tịch Mao giận dữ là sự ủng hộ của Khrushchev về việc cùng tồn tại hoà bình với phương tây.
Sự thù địch gia tăng và dẫn tới cái gọi là “chia rẽ Trung – Xô”.
Thời điểm đó, mới chỉ bắt đầu cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ, Bắc Việt vẫn ủng hộ Trung Quốc, phần lớn do sự ủng hộ của Trung Quốc với chính sách tái thống nhất của Bắc Việt; điều mà Liên Xô khi đó vẫn không để tâm.
Trung Quốc rút khỏi sự ủng hộ từ Bắc Việt cùng năm cuộc chiến tranh Mỹ bắt đầu, năm 1964, khi đảng của Khrushchev sa thải ông và thay thế là Brezhnev ở cương vị Bí thư Thứ nhất và Alexei Kosygin đảm nhận ghế Thủ tướng.
Bắt đầu trong năm 1965, lòng trung thành của những người cộng sản Việt Nam chuyển hướng tới Liên Xô; khi đó cả Liên Xô và Trung Quốc đang ủng hộ vũ khí cho Bắc Việt trong cuộc chiến tranh chống lại Nam Việt Nam và Mỹ.
Kết cục bất ngờ với Khmer Đỏ
Cộng sản Việt Nam và Khmer Đỏ của Pol Pot từng làm việc với nhau thời kỳ đầu, nhưng mối quan hệ bắt đầu tách rời khi chế độ Campuchia yêu cầu Việt Nam trả lại những khoảnh đất cho Campuchia bị “mất” trong một số thế kỷ trước. Việt Nam không quan tâm và Pol Pot đã trả đũa bằng cách tàn phá tộc người Việt Nam trong một vụ thảm sát bên trong Campuchia.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng, Khmer Đỏ đã phạm tội diệt chủng chống lại người dân ở các chủng tộc khác nhau bao gồm tộc người Trung Quốc, Việt Nam và người Campuchia.
Liên Xô cuối cùng đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến đánh bại Pol Pot ở Campuchia, sau thời kỳ diệt chủng khét tiếng bi thảm. Sự ủng hộ của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa với Pol Pot đã khiến cho Liên bang Xô viết coi đây là một cơ hội. Họ hậu thuẫn các lực lượng chiến đấu dày dạn của quân đội Việt Nam để dễ dàng đánh bại Khmer Đỏ diệt chủng.
Người Việt Nam biết có thể có sự trả đũa từ Trung Quốc, nhưng họ chọn cách tiếp nhận ủng hộ của Xô Viết và hy vọng việc phô trương lực lượng sẽ kiềm chế được Trung Quốc. Về lâu dài, họ đã thất bại trong canh bạc của mình.
Cuộc xâm chiếm chính thức của Việt Nam tại Campuchia xảy ra vào cuối 1978. Khmer Đỏ thiếu kinh nghiệm chiến đấu, kinh nghiệm của họ là ức hiếp và giết hại dân thường, chứ không phải thực tế giao chiến quân đội.
Ngày 7/1/1979, các lực lượng Campuchia được sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam đã chiếm giữ Thủ đô Phnom Penh, chấm dứt chế độ Khmer Đỏ. Pol Pot trốn vào rừng và sống ở đó trong nhiều năm. Tới năm 1997, ông và một người còn lại của Khmer Đỏ hoạt động ở khu vực biên giới Campuchia và Thái Lan.
Cuộc chiến 29 ngày
Thứ duy nhất thiếu vắng trong cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc ngày 17/2/1979 là máy bay. Trung Quốc đổ bộ vào các khu vực biên giới chính của Việt Nam với bộ binh, thiết giáp và pháo binh. 29 ngày chiến tranh của họ không đạt được thắng lợi đáng kể và thất bại trong việc phô trương lực lượng chống lại Xô Viết.
Theo Wikipedia:
Trong vòng một ngày, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến sâu vào Việt Nam khoảng 8km dọc theo một mặt trận rộng lớn. Sau đó họ đã chậm lại và gần như đình trệ vì sức kháng cự mạnh mẽ của Việt Nam và những khó khăn trong hệ thống hậu cần Trung Quốc. Ngày 21/2, cuộc tiến quân được phục hồi chống lại Cao Bằng ở cực bắc và chống lại trung tâm quan trọng nhất khu vực là Lạng Sơn. Quân đội Trung Quốc tiến vào Cao Bằng ngày 27/2,nhưng thành phố hoàn toàn không được bảo vệ cho tới ngày 2/3. Lạng Sơn thất thủ hai ngày sau đó. Ngày 5/3, Trung Quốc nói rằng, Việt Nam đã bị trừng phạt thích đáng, tuyên bố chiến dịch kết thúc. Bắc Kinh toàn bố “bài học” của họ đã hoàn thành và PLA hoàn tất việc rút quân vào ngày 16/3.
Quan điểm của Việt Nam trong sự trỗi dậy của các hoạt động chiến đấu là, Bắc Kinh đã nếm trải một thất bại quân sự nếu không phải là sự bại trận hoàn toàn.
Theo GlobalSecurity.org:
Cuộc tấn công 1979 đã xác định rõ nhận thức của Hà Nội về mối đe doạ Trung Quốc. Chỉ huy cấp cao Quân đội Nhân dân Việt Nam (PAVN) từ nay trở đi phải giả định, lập kế hoạch mục tiêu rằng, Trung Quốc có thể trở lại và có thể không chỉ dừng lại ở các chân đồi mà có thể tiến tới Hà Nội. Chiến tranh biên giới đã tăng cường quan hệ Xô – Việt. Vai trò quân sự của Xô Viết tại Việt Nam đã gia tăng trong những năm 1980 khi Liên Xô cung cấp vũ khí cho Việt Nam; hơn thế nữa, các tàu Liên Xô được quyền tiếp cận các cảng ở Đà Nẵng và vịnh Cam Ranh, máy bay do thám Liên Xô được hoạt động ở các sân bay Việt Nam. Người Việt Nam đáp trả chiến dịch của Trung Quốc bằng cách biến các khu vực giáp với biên giới Trung Quốc thành “những pháo đài sắt” có người điều khiển, được trang bị tốt và lực lượng bán quân sự được đào tạo kỹ càng. Ước tính có 600.000 quân được chỉ định để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc và sẵn sàng cho một cuộc xâm lược khác của Trung Quốc. Kích cỡ chính xác của các hoạt động biên giới rất khó xác định, nhưng giá trị về tiền tệ với Việt Nam là đáng kể.
Theo trang web SinoVietnameseWar.com, di sản của chiến tranh là lâu dài, đặc biệt ở Việt Nam. Ở đất nước bị tàn phá bởi hai cuộc chiến tranh, Trung Quốc với tất cả bản chất, đã thực thi một “chính sách tiêu thổ” khi rút lui về Trung Quốc, gây ra những tổn thất trên diện rộng với vùng nông thôn và cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Làng mạc điêu tàn, đường bộ và đường sắt thiệt hại trong tay của người Trung Quốc.
Trong cuốn Defending China (Bảo vệ Trung Quốc) phát hành năm 1985, Gerald Segal kết luận rằng, cuộc chiến tranh chống Việt Nam của Trung Quốc năm 1979 là một thất bại hoàn toàn: “Trung Quốc đã không thể buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, không chấm dứt được các cuộc đụng độ ở biên giới, không tạo được sự nghi ngờ về sức mạnh của Liên Xô, không xua đi được hình ảnh về Trung Quốc là một con hổ giấy, và không kéo được Mỹ vào một liên minh chống Liên Xô”.
Tuy nhiên, như Wikipedia thuật lại, Bruce Elleman lập luận rằng “một trong những mục tiêu ngoại giao quan trọng nhất đằng sau cuộc tấn công của Trung Quốc là nhằm phơi bày rằng, những đảm bảo hỗ trợ quân sự của Liên Xô với Việt Nam là lừa gạt. Phơi bày nó ra ánh sáng, chính sách của Bắc Kinh thực tế là một thành công ngoại giao, kể từ khi Moscow không tích cực can thiệp, vì vậy cũng cho thấy những hạn chế thực tế của hiệp ước quân sự Xô – Việt … Trung Quốc đã giành được một thắng lợi chiến lược bằng cách giảm thiểu khả năng tương lai của một cuộc chiến hai mặt trận chống lại Liên Xô và Việt Nam.
“Các cuộc đụng độ biên giới tiếp tục trong suốt những năm 1980, bao gồm một vụ chạm trán đáng kể vào tháng 4/1984; đây là lần đầu tiên chứng kiến việc Trung Quốc sử dụng súng trường tấn công kiểu 81”, theo trang web SinoVietnameseWar.com.
Video: Chiến tranh Việt-Trung 1979
Sau nhiều năm đàm phán không thành công, một hiệp định biên giới cuối cùng đã được ký kết giữa hai nước năm 1999. Vị trí biên giới chính xác được giữ bí mật, các vấn đề còn tiếp tục, và Việt Nam cuối cùng đã từ bỏ đất đai lại cho Trung Quốc.
Có điểm lưu ý tích cực, đó là tuyên bố tháng 12/2007 về tuyến đường Hà Nội – Côn Minh; một bước ngoặt trong quan hệ Trung – Việt, sẽ được xây dựng. Con đường này sẽ đi qua vùng biên giới từng là một chiến trường giữa hai nước. Nó sẽ góp phần phi quân sự hoá khu vực biên giới, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và hợp tác công nghiệp giữa các bên, SinoVietnameseWar.com nhấn mạnh.
Nguồn: Salem-News
Bản tiếng Việt: Ba Sàm