Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Biển Đông : Việt Nam thông báo cho Ấn Độ về vụ Tư Chính

Trang thông tin mạng thehindu.com hôm nay 30/07/2019 dẫn nguồn tin ngoại giao Hà Nội cho biết, Việt Nam đã thông báo cho phía Ấn Độ việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, cùng nhiều tàu hải cảnh hộ tống vào hoạt động gần bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.


Bãi Tư Chính


New Delhi tỏ lo ngại với những diễn biến căng thẳng trong vùng biển gần nơi tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC đang có dự án hợp tác khai thác dầu với Việt Nam, theo trang mạng Ấn Độ.

Một quan chức ngoại giao ẩn danh Việt Nam hôm qua cho biết : “Chúng tôi đã thông báo diễn biến tình hình hiện nay tại Biển Đông với Ấn Độ, nước có liên quan và là một tác nhân quan trọng trong khu vực.” Nguồn tin này khẳng định với trang tin Ấn Độ là Trung Quốc đã điều tới 35 tàu hải cảnh để hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8 tiến hành các hoạt động thăm dò địa chấn trong khu vực bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đòi chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, Trung Quốc từng phản đối và ngăn cản các dự án hợp tác thăm dò khai thác dầu khí của Ấn Độ trong vùng biển của Việt Nam.

Nguồn tin ngoại giao được trích dẫn nói trên cho biết thêm, ngoài Ấn Độ, Việt Nam cũng đã tiếp xúc với các nước như Mỹ, Nga, Úc và một số nước khác để bày tỏ lo ngại về hành động gây hấn của Trung Quốc đe dọa các hoạt động khai thác thăm dò dầu khí trong vùng biển Việt Nam, trong đó đặc biệt có lô dầu 06.1 là nơi mà tập đoàn Nga Rosneft và công ty Ấn Độ ONGC đã hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam từ gần 17 năm nay.

Quan chức ngoại giao được trang tin Ấn Độ dẫn nguồn khẳng định, các hoạt động của Trung Quốc hiện nay tại bãi Tư Chính là "vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển UNCLOS”.

Nguồn tin ngoại giao Hà Nội cũng cho biết Việt Nam đã đề cập vấn đề này với nhiều cấp chính phủ Trung Quốc và nếu Bắc Kinh không rút các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, Hà Nội sẽ đưa vấn đề ra tư pháp quốc tế.

Thehindu.com nhận định, vụ việc diễn ra ở bãi Tư Chính lần này là sự cố đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan nổi Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam hồi tháng 5/2014.

Theo RFI

Những hình ảnh thực tế vụ đối đầu bãi Tư Chính


Giàn khoang Hakuryu-5 tại lô dầu khí 06.1


Tàu kiểm ngư Việt Nam ở nhà già DK-1 xung quanh bãi Tư Chính



Tàu hải giám 3901 có lượng giãn nước 12.000.000 tấn tại bãi Tư Chính


Haiyang Dizhi 8

Tin tức - Thời sự ngày 31/07/2019

- Đài Loan phóng 117 tên lửa sau khi Trung Quốc thông báo tập trận: Đài Loan phóng nhiều tên lửa tầm trung và tầm xa ra biển trong hai ngày qua, được cho là để đáp trả cuộc tập trận của Trung Quốc đại lục.

- Triều Tiên phóng tên lửa lần thứ hai trong vòng một tuần: Triều Tiên sáng nay phóng loạt tên lửa được cho là khác với các mẫu từng thấy trước đây từ bờ biển phía đông nước này.

- Thái Lan có thể chi gần 400 triệu USD mua thêm tàu ngầm Trung Quốc: Hải quân Thái Lan đang chờ quốc hội phê duyệt ngân sách để mua tiếp một tàu ngầm S26T từ Trung Quốc theo hợp đồng ký đầu năm 2017.

- Tàu hộ vệ Việt Nam trong lần đầu duyệt binh hải quân tại Nga

- Thời sự 19h ngày 30/07/2019

- Thời sự 6h ngày 31/07/2019

- RFI Tiếng Việt : Phát thanh ngày 30/07/2019: Tình hình bãi Tư Chính. Việt Nam thông báo với Ấn Độ về tình hình biển Đông.

- Nguy cơ phát sinh nợ xấu từ BOT Cai Lậy (VTC)

- Clip Bắc Triều Tiên phóng thử tên lửa ngày 30/07/2019


- Việt Nam thông báo cho Ấn Độ về diễn biến tại bãi Tư Chính

[TV 2] Kênh tin tức - Thời sự và âm nhạc ***


Video: Kênh tin tức, thời sự và âm nhạc. Cập nhật tự động,...

Quốc gia nào đòi lại đảo thành công nhờ tòa án quốc tế?

Xung đột Hanish là cuộc đối đầu giữa Yemen và Eritrea để giành quyền sở hữu một quần đảo ở Biển Đỏ. Chiến sự giữa hai bên nổ ra trong 3 ngày cuối năm 1995.



Theo Global Security, quần đảo Zukur-Hanish nằm ở phía nam của Biển Đỏ và gần khu vực Bab-el-Mandeb (nghĩa là “miệng Biển Đỏ”), nơi có chiều rộng khoảng 100 km. Từ khi đế quốc Anh chiếm vịnh Aden, cộng đồng quốc tế coi quần đảo Zukur-Hanish là một phần lãnh thổ Yemen, mặc dù ngư dân Eritrea vẫn đánh cá xung quanh quần đảo.

Sau khi giành độc lập và gia nhập Liên Hợp Quốc, chính phủ Eritrea bắt đầu thương lượng với Yemen về quyền sở hữu quần đảo Zukur-Hanish. Hai nước đàm phán hai lần trước khi chiến sự bùng nổ.

Ngày 21/5, Eritrea và Yemen ký bản Thỏa thuận về các nguyên tắc, theo đó hai nước sẽ để một tổ chức trung gian phân xử tranh chấp và tuân theo phán quyết của bên trung gian. Trong thời gian tranh chấp chưa ngã ngũ, hai bên sẽ không sử dụng vũ lực.

Nhưng vào ngày 10/8/1995, quân đội Eritrea chiếm đảo Hanish al-Saghir. Do Yemen đe dọa rằng họ dùng vũ lực để giành lại đất, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu binh sĩ Eritrea rời khỏi khu vực. Asmara rút quân vào ngày 27/8. Ngay sau đó Eritrea đặt nhiều tên lửa SAM dọc bờ biển.

Hôm 22/11/1995, Ngoại trưởng Yemen, ông Adb al-Karim al-Iryani, gặp 3 quan chức Eritrea ở thủ đô Saana của Yemen để thảo luận về tranh chấp. Sau đó, đoàn Yemen lại sang Eritrea để dự một cuộc họp hôm 7/12. Trong cuộc họp, hai nước nhất trí giải quyết tranh chấp qua đàm phán vào tháng 1/1996. Nếu đàm phán thất bại, hai nước sẽ yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế tại Hà Lan xử vụ việc.

Hanish al-Kabir là một trong 3 đảo chính thuộc quần đảo Zukur Hanish. Tới tận năm 1995, chỉ vài ngư dân Yemen sống trên đảo. Cũng trong năm đó, một công ty Đức – dưới sự bảo trợ của Yemen – bắt đầu xây dựng một khách sạn và trung tâm lặn biển trên đó. Chính phủ Yemen phái 200 binh sĩ tới đảo để bảo vệ công trường xây dựng.

Giới chức Eritrea nghi hoạt động xây dựng là nỗ lực tạo hiện trạng trước khi các cuộc đàm phán diễn ra vào tháng 2 năm sau. Vì thế, ngày 11/11/1995, Ngoại trưởng Eritrea ra một tối hậu thư để yêu cầu binh sĩ Yemen rút khỏi đảo Hanish al-Kabir trong vòng một tháng.

Khi hạn chót trôi qua và binh sĩ, dân thường Yemen không rút khỏi Hanish al-Kabir, Eritrea tấn công để giành lại đất. Họ dùng tất cả tàu có khả năng ra biển để đưa binh sĩ tới các đảo. Một số lính Eritrea phải lên tàu cá hoặc phà để ra biển. Quân đội Eritrea cũng sử dụng cả máy bay để đưa binh sĩ tới chiến đấu. Lực lượng Eritrea khống chế toàn bộ đảo sau khi giao tranh với binh sĩ Yemen từ ngày 15 tới 17/12/1995.

Dù Eritrea chiếm đảo Hanish al-Kabir, áp lực từ cộng đồng quốc tế buộc họ phải đồng ý để Tòa án Trọng tại Thường trực phân xử tranh chấp với Yemen. Vào năm 1998, tòa tuyên bố phần lớn Zukur Hanish thuộc lãnh thổ Yemen, nhưng Eritrea có quyền đánh bắt cá quanh quần đảo, đồng thời sở hữu vài đảo gần lãnh thổ của họ.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Biển Đông: Chứng lý không thể chối cãi của Việt Nam

Nếu kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về những hành vi ngang ngược trên Biển Đông thì khả năng thắng của Việt Nam còn cao hơn Philippines năm 2016.


Vị trí của bãi Tư Chính/Nam Côn Sơn so với các đảo trên Biển Đông
Nguồn: Phan Văn Song/Đồ họa: Du Sơn


Việt Nam và thế giới đang theo dõi và quyết liệt phản đối nhóm tàu Trung Quốc tiến hành thăm dò địa chấn trái phép tại khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam cũng như thông tin về hành vi quấy rối hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp tại lô 06-01 Bồn trũng Nam Côn Sơn. Đến nay, trong các tuyên bố ngày 19 và 25.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã được xác lập trong Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh: “Vị trí của lô 06-01 nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc nhiều lần xâm phạm chủ quyền Việt Nam và tạo nên các sự đã rồi như xâm chiếm, cải tạo các đảo, đá và thực thể trên Biển Đông, Việt Nam cần xem xét tất cả giải pháp, trong đó có giải pháp pháp lý, tức kiện ra tòa. Một trong các biện pháp là sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc ở Phụ lục VII của UNCLOS liên quan đến bãi Tư Chính và Nam Côn Sơn. Đây là cách mà Philippines làm năm 2016 và đã thắng kiện.

Nếu đưa ra tòa thì khả năng thắng của Việt Nam sẽ còn cao hơn vì khu vực bãi Tư Chính và Nam Côn Sơn cách Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa hơn 200 hải lý. Đảo lớn gần nhất với Tư Chính và Nam Côn Sơn là Trường Sa Lớn, mà đây chỉ là đảo lớn thứ tư ở Trường Sa. Phán quyết năm 2016 đã khẳng định Ba Bình không tạo cho Trung Quốc cơ sở để đòi quyền về EEZ hay thềm lục địa, vì vậy các thẩm phán giờ đây khó có thể cho rằng Trường Sa Lớn có vùng đặc quyền kinh tế. Do đó, có thể nói bãi Tư Chính/Nam Côn Sơn không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của một thực thể nào đang thuộc quần đảo Trường Sa. Ngược lại, vùng Tư Chính/Nam Côn Sơn nằm hoàn toàn trong các vòng tròn 200 hải lý từ các đảo Dinh, Phú Quý, Côn Sơn của Việt Nam.

Kết quả của phiên tòa sẽ khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam, cũng như giới hạn hay ít nhất sẽ làm rõ bán kính ảnh hưởng trong các tuyên bố phi lý của Trung Quốc đòi quyền về EEZ từ các thực thể đang tranh chấp ở Trường Sa. Từ đó, đóng khung vùng biển có khả năng bị tranh chấp, dẫu sao vẫn nhỏ hơn nhiều so với đường chữ U chiếm hơn 80% Biển Đông của Trung Quốc. Kết quả này cùng với kết quả phiên tòa giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016 một lần nữa khẳng định sự vô lý và phi pháp của yêu sách đường chữ U.

Dĩ nhiên chiến thắng pháp lý trước Trung Quốc cũng không phải là chiến thắng sau cùng vì họ sẽ khó từ bỏ tham vọng lâu đời của mình. Tuy nhiên nó sẽ khẳng định lập trường chính nghĩa rõ ràng của Việt Nam, được công nhận bởi bạn bè quốc tế. Tranh thủ dư luận quốc tế cũng là điều quan trọng trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, góp phần làm thất bại mưu đồ tung hỏa mù, biến cái không tranh chấp thành tranh chấp của Trung Quốc. Ngoài ra, thêm một phán quyết bất lợi từ Tòa trọng tài quốc tế sẽ khiến Trung Quốc e dè hơn trong các hành vi xâm lấn trên Biển Đông.

Trong giải quyết tranh chấp, kiện là cách văn minh và duy lý, văn minh hơn cái cách mà Trung Quốc đang làm. Lâu nay, về ngoại giao, chúng ta có phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, ngụ ý cần kiên định, nắm những nét lớn và không sa vào những diễn biến tức thời. Nếu vậy thì có thể thấy rằng những diễn biến trên Biển Đông từ ít nhất 10 năm nay khẳng định nét quan trọng là tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc. Ngoài ra, còn có vế thứ hai ít được nhắc đến hơn là “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”, tức cần biết tâm của người dân là gì để lấy làm tâm của mình. Trong vấn đề Biển Đông, tâm của người dân có lẽ chưa bao giờ rõ hơn.

Nguồn: Thanh Niên

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Campuchia mua nhiều vũ khí TQ, xây đường băng cho TQ thuê 99 năm


Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh hồi cuối 4/2019

Dù bác bỏ tin của báo Mỹ rằng Phnom Penh cho Trung Quốc thuê căn cứ quân sự, Thủ tướng Hun Sen lại vừa xác nhận nước ông mua "hàng chục ngàn" vũ khí Trung Quốc.

Những chi tiết hiếm hoi về các thỏa thuận mua vũ khí từ Bắc Kinh được đưa ra chỉ vài hôm sau khi Campuchia bác bỏ việc nước này có thỏa thuận bí mật theo đó cho phép tàu chiến Trung Quốc sử dụng một căn cứ hải quân của mình.

Phát biểu trên Facebook hôm 29/07 khi đến thăm công trình xây sân vận động ở Phnom Penh - món quà của chủ tịch Tập Cận Bình - ông Hun Sen nói rằng chỉ trong năm nay, Campuchia đã chi 40 triệu USD mua thêm vũ khí từ Trung Quốc.

"Tôi đã ra lệnh mua hàng chục ngàn vũ khí bổ sung," ông Hun Sen nói nhưng không giải thích là đã đặt mua các loại vũ khí nào. "Nay, chúng đang được vận chuyển tới."

Các hợp đồng trước đó đạt con số 290 triệu USD, cho phép Campuchia dùng vũ khi Trung Quốc để hiện đại hoá quân đội.

Thực hư quanh chuyện Campuchia cho TQ sử dụng căn cứ hải quân

Mới đây nhất, chính quyền của ông Hun Sen gọi bài trên báo Wall Street Journal về một thoả thuận bí mật Campuchia - Trung Quốc để quốc gia lớn sử dụng căn cứ hải quân Campuchia là "tin giả".

Họ còn tổ chức cho các đoàn nhà báo nước ngoài đến xem một khu đất ở Ream, Sihanoukville và chỉ ra rằng tại đó không hề có căn cứ nào cho người Trung Quốc cả.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia về an ninh, quốc phòng ở nước ngoài không tin vào chiến dịch thông tin tuyên truyền đó của Campuchia.


Căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia đang là tâm điểm chú ý, nơi được nhiều người cho là sẽ trở thành địa điểm cho Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, Phnom Penh bác bỏ và gọi đó là tin giả

Hai báo Úc, The Age và Sydney Morning Herald trích lời TS Euan Graham, từ Đại học La Trobe nói rằng sẽ sai lầm khi nghĩ rằng Campuchia xây một căn cứ cho Trung Quốc kiểu như căn cứ Mỹ đóng ở Nhật.

Trái lại, ông tin rằng đây là một quá trình từ từ, tạo vị trí bán quân sự, bán dân sự và khi cần khi TQ mới điều chuyển lực lượng tới.

Ngay lập tức, Úc đã quan tâm đến chuyện này và chuyên gia an ninh quốc phòng John Blaxlabd từ Đại học Quốc gia Australia nói Úc cần đánh giá lại bố trí an ninh vùng cùng đồng minh trong nhóm năm quốc gia "Five power deal": Úc, Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh.

Các nước này đang kiểm soát eo biển Malacca và nếu Trung Quốc đưa được không quân xuống Campuchia, cộng với các căn cứ đã có ở Djibouti và Pakistan, thì tính toán an ninh của Úc phải thay đổi, theo tờ Sydney Morning Herald (26/07/2019).
Ngay từ năm ngoái, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã lên tiếng về một "căn cứ hải quân" Campuchia xây cho Trung Quốc.
Phân tích gia Malcolm Davis từ Viện Chính sách Chiến lược Australia trong bài viết đăng hôm 29/7 nói rằng thỏa thuận cho phép Trung Quốc sử dụng một phần căn cứ hải quân Ream có hiệu lực trong 30 năm và sẽ được tự động gia hạn 10 năm một lần.

Đáng chú ý là Ream chỉ cách biên giới Việt Nam - Campuchia có 100km.

Nếu quả thực Trung Quốc được Campuchia trao quyền sử dụng căn cứ hải quân tại đây thì tàu chiến Trung Quốc có thể từ khu vực phía nam của Việt Nam đi lên hướng đông bắc để hỗ trợ cho các hoạt động khác của Trung Quốc ở dọc bờ biển Việt Nam và tại các khu vực Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đang có tranh chấp, theo Malcolm Davis.


Hôm 26/7, Campuchia tổ chức đưa các phóng viên tới tham quan căn cứ hải quân Ream để chứng minh nơi này 'không hề có người TQ nào sử dụng'

"Xây đường băng cho TQ thuê 99 năm"

Vào tháng 5/2019, Andrew Nachemson viết trên South China Morning Post rằng giới quan sát nghi là sân bay to trên đảo Koh Kong có thể dùng vào mục tiêu quân sự.

Mô thức nhận đất cho thuê dài hạn để rồi có thể "thu nhận vĩnh viễn" đã có trong quan hệ Trung Quốc với Sri Lanka.
Bài báo nói Campuchia cho tập đoàn UDG của Trung Quốc thuê 45 nghìn hectare đất trên đảo Koh Kong tới năm 2108, theo thoả thuận 99 năm.

Tại đây, UDG cho xây đường băng dài 3,4 km, dài hơn sân bay quốc tế ở Phnom Penh và hơn hẳn đường băng dân sự chỉ cần tối đa 2,8 km.

Về lý thuyết, đường băng khổng lồ này là để phục vụ một casino "vắng tanh vắng ngắt" trên hòn đảo nghỉ dưỡng, theo bài báo.

Dù là công ty tư nhân, UDG (Union Development Group) từng có vinh dự được đón một lãnh đạo Quốc hội Trung Quốc, ông Vương Khâm Mẫn, đến tận nơi thăm dự án Koh Kong.

Được biết công trình "du lịch" trên hòn đảo của Campuchia được chính Trương Cao Lệ, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc ủng hộ.

Nguồn: BBC