Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

SCMP: Cảnh sát biển Việt Nam đối đầu với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính

Hôm nay 12/7, Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng - South China Morning Post (SCMP) đưa tin các tàu hải giám Việt Nam (1) và Trung Quốc đã đối đầu nhau trong một tuần qua xung quanh một bãi san hô trên biển Đông mà Việt Nam đang kiểm soát, làm dấy lên nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nước đang có tranh chấp vùng biển.

Theo tờ báo có trụ ở ở Hồng Kông này, 6 tàu hải giám được trang bị nhiều vũ khí, gồm có 2 tàu Trung Quốc và 4 tàu Việt Nam, đã gườm nhau trong khi tuần tra vòng quanh Bãi Tư chính thuộc quần đảo Trường Sa từ tuần trước. Vào hôm qua, khoảng một chục con tàu đã được báo cáo nằm trong khu vực xung quanh hòn đảo ngập nước này bởi các trang web theo dõi hàng hải, SCMP cho hay.


Đồ thị đường đi của tàu thăm dò địa chấn Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc trên biển Đông từ (3-11/7)

SCMP dẫn đoạn tweet của ông Ryan Martinson – Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ nói rằng vào Thứ Tư tuần trước (3/7) tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 8) đã đi vào vùng biển gần Bãi Tư chính Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.

Tàu khảo sát này được hộ tống bởi tàu hải giám vũ trang 12.000 tấn số hiệu 3901, tàu hải giám 2.200 tấn 37111 và một máy bay trực thăng, SCMP mô tả. Sau khi đội tàu này tiến gần tới Bãi Tư chính mà Việt Nam tuyên bố là thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, cuộc đối đầu với 4 tàu Việt Nam đã diễn ra.

Vụ đối đầu này có thể bùng phát đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây và có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, SCMP nhận định.


Vị trí của Bãi Tư Chính

Sự việc này diễn ra bất chấp một cam kết vào tháng 5 giữa Bộ trưởng Trung Quốc và Việt Nam về việc giải quyết các bất đồng trên biển bằng hòa bình.

Vài giờ trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không xác nhận tin tức về vụ đối đầu này, nhưng khẳng định Trung Quốc quyết tâm bảo về các lợi ích của mình trên biển Đông.

“Chúng tôi cũng cam kết xử lý khác biệt thông qua đàm phán với những nước có liên quan” ông Cảnh nói.

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua vào tháng 5/2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam đã cho tàu hải giám ra chặn và đối đầu với tàu hải giám Trung Quốc. Làn sóng chống Trung Quốc nổi lên khắp Việt Nam dẫn đến các cuộc biểu tình và đập phá 14 nhà máy do người Trung Quốc sở hữu ở Bình Dương.

Chỉ đến tháng 7/2014, khi Trung Quốc tuyên bố giàn khoan đã hoàn tất hoạt động và rút về thì căng thẳng mới giảm bớt.

Từ đó, hai bên đã có các hoạt động nhằm tăng cường quan hệ an ninh với những chuyến thăm của tướng lĩnh và cam kết sẽ giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình.

Bãi Tư chính là một cụm rạn san hô ở phía nam biển Đông, khu vực giàu có tài nguyên về dầu khí.


Nhà giàn Việt Nam dựng trên bãi Tư Chính (Ảnh: Wiki)

Theo Wikipedia Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía nam, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và không thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam bác bỏ sự gán ghép bãi này vào quần đảo Trường Sa và tuyên bố bãi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình.

Trên hòn đảo này, Việt Nam đã lắp đặt các cấu trúc thép có tên là nhà giàn DK1 và giao cho Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.

Trung Quốc thì coi hòn đảo này thuộc Nam Sa, tên riêng mà Trung Quốc gọi Trường Sa để chỉ quyền sở hữu. Khu vực bãi Tư Chính đã xảy ra một số vụ đối đầu giữa các tàu hải giám Việt Nam và Trung Quốc.

Vào năm 1994, tàu vũ trang Việt Nam đã buộc tàu thăm dò Shiyan 2 của Trung Quốc rời khỏi khu vực này sau 3 ngày đối đầu.

* Đang cập nhật...

Nguồn: SCMP, RFA, Trithucvn
Link bài đăng trên SCMP: https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3018332/beijing-and-hanoi-stand-over-chinese-survey-ship-mission

(1): Cách mà báo này gọi Cảnh sát biển Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét