Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Đọ sức chiến lược biển Đông: ‘Đấu văn’ và ‘đấu võ’

Tờ Nhân dân Nhật báo, Trung Quốc phân tích cụ thể về vụ kiện của Philippines về vấn đề biển Đông ra tòa án trọng tài quốc tế. Những sách lược biển mới của Trung Quốc để đối phó với tình hình mới cũng được nêu ra rất kỹ lưỡng.

Hải quân Mỹ và Philippines trong đợt tập trận chung ở vùng biển tây Philippines . Ảnh: Reuters.

Theo Nhân dân Nhật báo, thời gian qua Philippines liên tiếp có những phản ứng quanh vấn đề Biển Đông.

Đầu tiên là ngày 15-7, Bộ ngoại giao Philippines phát biểu tuyên bố, chỉ ra cái gọi là “8 sự thật” về vấn đề biển Đông. Ngay sau đó, ngày 16-7, Philippines tuyên bố tòa án trọng tài liên quan đến những tranh chấp trên biển Đông đã được thành lập ở thành phố Den Haag – Hà Lan, quy trình phát xét đã được khởi động. Ngày 24-7, Philippines phát động cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu, kháng nghị Trung Quốc “xâm chiếm biển đảo của Philippines”

Những động tác này đánh dấu nối tiếp các cuộc đối đầu cứng như đối đầu tàu chiến, đe dọa quân sự, triển khai sức mạnh...ván cờ tranh chấp biển Đông bắt đầu tập trung vào cuộc đọ sức mềm về tư pháp quốc tế và dư luận quốc tế.

Từ “đấu văn” đến “đấu võ”

Nhân dân Nhật báo nhận định sự đối đầu về sức mạnh trên biển Đông ngày càng có lợi cho Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á có tranh chấp đều muốn né tránh, không muốn để xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc. Sự kiện đảo Hoàng Nham/ Scarborough năm 2012 là một bước ngoặt trong cuộc tranh giành lãnh thổ trên biển Đông, sự kiện này đánh dấu Trung Quốc đã sơ bộ tạo dựng được khả năng uy hiếp có hiệu quả trên biển Đông.

Đã từ lâu, do sức mạnh trên biển của Trung Quốc khá yếu, mặc dù sức mạnh tổng thế của Trung Quốc rất lớn, nhưng ở một số khu vực cục bộ trên biển Đông, không hình thành được sự uy hiếp quân sự hoặc chuẩn quân sự có hiệu quả. Một số nước Đông Nam Á như Philippines thi nhau lấp “chỗ trống sức mạnh” ở biển Đông, chiếm đảo, khai thác thài nguyên, không đếm xỉa gì đến lời đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc, sự so sánh về sức mạnh ngày càng có lợi cho Trung Quốc, các hoạt động tuần tra và chấp pháp của Trung Quốc trên biển Đông ngày càng dồn dập, trước đây, các nước như Philippines... gây ra tình trạng “sự đã rồi”, ép Trung Quốc phải lùi bước, nhưng hiện tại cách làm này đã không thể tiếp tục.

Tờ báo này quả quyết ưu thế chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông ngày càng rõ nét, không gian dành cho các bên không liên quan nhưng muốn gây rối để kiếm lợi trong đó ngày càng thu hẹp. Mặc dù vấn đề biển Đông ngày càng quốc tế hóa, các bên không có liên quan như ASEAN, Mỹ, Ấn Độ... cũng can thiệp sâu hơn, nhưng sự tồn tại về mặt quân sự của Trung Quốc ở biển Đông ngày càng không thể coi thường.

Nhân dân Nhật báo cho rằng các nước Mỹ, Ấn Độ đều không thể tùy tiện vì Phillippines, Việt Nam mà mạo hiểm ra tay, trong khi bản thân lại không có lợi ích gì. Chính vì thế, cho dù cục diện biển Đông gió to, sóng lớn đến đâu, ngọn lửa dựa vào Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc bốc cháy ngùn ngụt đến đâu, đều chỉ là tạo dựng thanh thế ầm ĩ, hành động thực tế không có gì lớn. Trên thực tế, bản thân các nước có tranh chấp với Trung Quốc đã không thể dựa vào “quả đấm” để nói chuyện, trong khi sự viện trợ và ủng hộ của Mỹ thường cũng chỉ là “đãi bôi” mà thôi.

Theo Nhân dân Nhật báo, trong bối cảnh này các nước như Philippines đã tăng cường chuẩn bị và đầu tư cho công tác đấu tranh tư pháp quốc tế hòng dùng pháp luật để trói buộc chân tay của người khổng lồ Trung Quốc, tích cực thu thập các cơ sở pháp lý có lợi cho chủ trương của mình, chuẩn bị sẵn sàng “đối đầu” với Trung Quốc trên tòa án quốc tế. Lần này Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế chính là mở màn cho chiến dịch nói trên.


Tàu khu trục của Mỹ USS Fitzgerald ở vịnh Subic hồi cuối tháng 6. 

Những lo ngại của Trung Quốc

Theo tuyên bố của Philippines, có ba điểm lớn trong vụ kiện lần này: Một là yêu cầu tòa án làm rõ, chủ trương quyền lợi biển mà Trung Quốc đưa ra dựa vào “đường 9 đoạn” vi phạm Công ước luật biển Liên hợp quốc. Hai là yêu cầu tòa án tuyên bố rõ các bãi đá Mischief Reef, McKennan Reef, Gaven Reef, Subi Reef của Trung Quốc đều chỉ là “bãi ngầm dưới nước”, không sở hữu quyền lãnh hải. Các bãi Fiery Cross Ree, Cuarteron Reef, Johnson South Reef và đảo Hoàng Nham/ Scarborough không có quyền lợi vùng biển đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý. Ba là yêu cầu tòa án phán xét, Trung Quốc đang “xâm hại” Công ước luật biển Liên hợp quốc mà Philippines dựa vào và đòi chủ trương về quyền lợi vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đồng thời yêu cầu tòa án “áp dụng biện pháp tạm thời” buộc Trung Quốc phải chấm dứt hành vi này.

Nhân dân nhật báo cho rằng, Trung Quốc cần phải cảnh giác bởi rõ ràng là lần này Philippines có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, việc lựa chọn, nắm bắt thời cơ đối với nội dung và cơ chế trọng tài của Philippines cho thấy trình độ quyết sách cao. So với những biểu hiện ngờ nghệch trong sự kiện đối đầu ở đảo Hoàng Nham/ Scarborough, không thể coi thường khả năng ứng dụng của Philippines trong lĩnh vực luật quốc tế và cơ chế.

Tờ báo này phân tích Philippines không phải nước duy nhất trong cuộc tranh chấp trên biển Đông muốn kiện Trung Quốc. Trong thời gian tới, cùng với sự tăng cường thêm một bước của lực lượng chấp pháp Trung Quốc, và sự tập trung đối với hoạt động quản lý, kiểm soát hải vực của Trung Quốc ở biển Đông, Philippines và các nước liên quan sẽ càng mất đi sức mạnh và dũng khí thông qua thủ đoạn quân sự hoặc chuẩn quân sự để “đọ sức” với Trung Quốc. Hoạt động đấu tranh trong lĩnh vực tư pháp quốc tế dần dần sẽ trở thành hình thức chủ yếu để đối đầu với Trung Quốc.

Tòa án trọng tài vừa thành lập, bước tiếp theo sẽ tiến hành thẩm định theo quy trình, vấn đề then chốt nhất là, tòa án trọng tài có quyền phát xét vụ án này hay không.

Theo quy định đặc biệt của điều 298 trong công ước, nước ký hiệp ước có thể dùng biện pháp đệ trình bản tuyên bố lên Tổng thư ký Liên hợp quốc để loại trừ quy trình trọng tài mang tính bắt buộc, nó chủ yếu thích hợp với các vụ án tranh chấp trên biển như phân định lãnh thổ, phân định ranh giới trên biển, quyền sở hữu mang tính lịch sử, lợi ích quân sự...

Ngay từ ngày 25-8-2006, Trung Quốc đã đệ trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc một bản tuyên bố. Bản tuyên bố đặc biệt chỉ ra rằng, đối với bất kỳ vụ tranh chấp nào mà khoản 1 điều 298 trong công ước đã nêu, tức các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, phân định ranh giới trên biển, hoạt động quân sự..., Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ hoạt động tư pháp quốc tế hoặc trọng tài phát xét được quy định trong chương 3 thuộc phần 15 của Công ước luật biển (điều 297, điều 298, điều 299).

Đương nhiên là Philippines sẽ hiểu Trung Quốc được hưởng quyền miễn trừ theo Công ước trên, chính vì thế nội dung xin trọng tài phán xét mà Philippines đưa ra được “dày công thiết kế”, cố gắng né tránh những tranh chấp chủ quyền đằng sau vấn đề biển Đông. Nhìn bề ngoài, những đề nghị phán xét này đều đang trong quá trình biện luận về mặt pháp lý, Philippines không yêu cầu tòa án trọng tài phán xét những tranh chấp về chủ quyền biển đảo và phân định ranh giới trên biển giữa quốc gia này với Trung Quốc, mà yêu cầu tòa án nhận định chủ trương và hành vi của Trung Quốc không phù hợp với công ước. Hành động này nhằm tránh việc Trung Quốc được hưởng quyền miễn trừ, thông qua lời đề nghị tố tụng “mang tính kỹ thuật” và “tính pháp lý”, thúc đẩy lập án và khởi động trình tự trọng tài.

Rõ ràng vụ kiện của Philippines có dấu hiệu kiện cho lấy lệ và tráo đổi khái niệm, trong khi những quy định của công ước về các vấn đề quyền lợi mang tính chất lịch sử, hiệu lực pháp luật biển đảo lại hết sức mơ hồi, chỉ cần toàn án có sự phán quyết hoặc ý kiến mang tính khuynh hướng là có thể lật đổ công ước, dùng sự “thỏa hiệp mơ hồ” để tìm kiếm cơ sở mang tính hợp pháp của công ước. Hơn nữa, cuộc tranh chấp trên biển Đông dính líu đến nhiều quốc gia (6 quốc gia là Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Bruney và 1 khu vực là Đài Loan), các chú trương và lợi ích chồng chéo nhau, tòa án không thể chỉ nghe một bên là Philippines sau đó đưa ra lời phán quyết phiết diện. Do đó, rất có thể tòa án sẽ cho rằng lời đề nghị trọng tài của Philippines quá nhạy cảm, phức tạp, áp dụng sách lược né tránh, nhận định họ không có quyền phát xét đối với vụ án này, những đề nghị trọng tài sẽ bị bác lại.

Tuy nhiên, Nhân dân Nhật báo cũng nhấn mạnh, Trung Quốc cần nhìn thấy biến số tồn tại trong vụ việc này. Luật quốc tế không ngừng phát triển, các hoạt động thực tiễn của con người trong lĩnh vực biển đang không ngừng nảy sinh các vấn đề mới, luật biển quốc tế cũng buộc phải tiến cùng thời đại. Về lý thuyết tòa án có thể căn cứ vào tình hình thực tiễn biển mới, đưa ra một số lời giải thích mới về một số điều khoản mơ hồ, điều này đã để lại một không gian tưởng tượng nhất định. Quyền phát xét của tòa án trọng tài cũng không như một số chuyên gia của Trung Quốc phát biểu rất xa vời, mọi cái đều tồn tại biến số nhất định. Chính vì thế cũng tồn tại khả năng tòa án tuyên bố họ có quyền phát xét nhất định đối với vụ án này.

Nếu tòa án kết luận họ có quyền phát xét vụ án này thì dù Trung Quốc có phản ứng và thái độ nào, công tác trọng tài đều sẽ được tiến hành. Theo công ước, mức độ bắt buộc của tòa án trọng tài sẽ vượt tòa án quốc tế, tòa án luật biển quốc tế và tòa án trọng tài đặc biệt. “Nếu một bên tranh chấp không tham dự phiên tòa hoặc không tiến hành biện hộ cho vụ án, bên kia có thể đề nghị tòa án trọng tài tiếp tục tiếp hành quy trình và đưa ra phán quyết. Bên tranh chấp vắng mặt hoặc không tiến hành biện hộ sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động xét xử”. Dự đoán, để hoàn thành mọi trình tự trọng tài, có thể mất tới 3-4 năm, đây sẽ là một quá trình tư pháp và cuộc chiến ngoại giao trường kỳ.

Đọ sức chiến lược ở Biển Đông


Nhân dân Nhật báo cho rằng, cuộc tranh chấp trên biển Đông là cuộc đọ sức mang tính chiến lược và mang tính tổng hợp, đấu tranh pháp lý cần xem xét kỹ lưỡng các tình huống như chiến lược biển, khả năng chấp hành chính sách, sức uy hiếp về quân sự để có thể đối phó trên tầm cao cao hơn, phạm vi và lĩnh vực rộng hơn.

Một là cần tăng cường nghiên cứu luật biển quốc tế và sự tương tác giữa các cơ chế quốc tế có liên quan, đối phó một cách tự tin và lý trí với cuộc chiến này.

Các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế bắt nguồn từ luật thói quen được hình thành trong quá trình quan hệ qua lại giữa các nước phương Tây, luật biển lại càng như vậy, kể từ thời cận đại trở lại đây, Trung Quốc luôn phải học và đuổi theo. Hiện nay, lĩnh vực nghiên cứu luật quốc tế – bao gồm luật biển quốc tế của Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách khá xa so với trình độ hàng đầu của thế giới. Đối với vấn đề như biển Đông, sự nghiên cứu của Trung Quốc cũng còn khá sơ cấp, hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc lên tiếng ủng hộ, giải thích lập trường của chính phủ, rất ít chuyên gia có thể đứng trên phương diện pháp lý, chứng thực để cung cấp căn cứ xác đáng cho công cuộc đấu tranh ngoại giao. Muốn giành được thắng lợi trong cuộc chiến này, Trung Quốc buộc phải nâng cao trình độ nghiên cứu của mình trên phương diện này, đặt nền móng vững chắc cho công cuộc đấu tranh pháp lý.

Nhân dân Nhật báo đề xuất Trung Quốc cần tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng cơ chế quốc tế có liên quan. Các cơ chế như Ủy ban giới hạn thềm lục địa của Liên hợp quốc, Tòa án luật biển quốc tế dựa vào Công ước luật biển quốc tế và đại diện cho mọi quyền lợi thực thi của toàn nhân loại, công dân Trung Quốc cũng có không ít chuyên gia đảm nhận chức vụ quan trọng trong đó, tính công bằng và tính quyền uy của họ được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Tờ báo này bày kế Trung Quốc cần định hướng cho dư luận quốc tế một cách thích hợp, tránh những lời dự đoán về các “âm mưu”. Đối với vụ kiện của Philippines, cần đối phó một cách lý trí, không nên tùy ý thể hiện sự phẫn nộ hoặc ý kiến bất đồng trên tòa án luật biển quốc tế và tòa án trọng tài. Trong dù trong tòa hay ngoài tòa, Trung Quốc cần nắm bắt mọi cơ hội, làm tốt công tác tòa án trọng tài, đồng thời tuyên truyền lập trường và chủ trương của Trung Quốc với tòa án và động đồng quốc tế, biến thế bị động thành thế chủ động (biện hộ cho các hoạt động trái phép, bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông-ND).

Hai là cần đứng trên tầm cao chiến lược biển quốc tế để cân nhắc sự được mất của lợi ích.

Nhân dân Nhật báo lý giải cuộc đấu tranh pháp lý trên biển Đông là kết quả của các mối xung đột về lợi ích và sự mâu thuẫn giữa các chủ trương, gây ra sức ép rất lớn cho sự phát triển của trật tự biển lấy Công ước luật biển quốc tế làm hạt nhân, đồng thời cũng là sự thách thức đối với phương châm luật biển và chiến lược biển của Trung Quốc. Việc ký kết và có hiệu lực của công ước là kết quả của một sự thỏa hiệp, trong các vấn đề quan trọng như nguyên tắc phân định ranh giới biển, hiệu lực yếu mạnh của luật biển đảo đều áp dụng sách lược mơ hồ hoặc né tránh, những điều khoản không rõ ràng này đã phản ánh nên quan điểm pháp lý và giới định lợi ích không giống nhau của các nước, vấn đề biển Đông càng tập trung phản ánh sự thiếu cơ sở pháp lý của công ước trong các vấn đề thực tiễn quan trọng như phân định ranh giới biển, hiệu lực của luật biển đảo, quyền lợi lịch sử... Vấn đề biển Đông sẽ được giải quyết cùng với sự phát triển của luật biển quốc tế, quá trình này ắt sẽ ảnh hưởng đến hướng phát triển của Luật biển quốc tế. Đối với Trung Quốc, cần dựa vào tinh thần cơ bản, kinh nghiệm thực tế, xu thế phát triển của Luật biển quốc tế, xem xét toàn diện cái được và mất trong không gian biển thuộc phạm vi chủ quyền cả ở biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông. Sau đó sẽ căn cứ vào kết quả này và đưa ra chủ trương chính sách có liên quan.

Ba là cần nhấn mạnh sự phối hợp giữa các ban ngành và tổ chức, có sự đối phó hiệu quả về mặt pháp lý trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và quân sự.

Các điều khoản của luật quốc tế đều có tính linh hoạt nhất định, tòa án trọng tài cũng không thể đưa ra lời phán quyết mà bất chấp sự chi phối của các hoạt động chính trị quốc tế. Quá trình thụ lý vụ án này, kết quả cuối cùng, thậm chí việc nhận định quyền phát xét đều chịu sự ảnh hưởng của tình hình quốc tế, dư luận quốc tế. Chính vì thế, chắc chắn đây không chỉ là cuộc đấu tranh pháp lý đơn thuần, mà là một cuộc đọ sức toàn diện về ngoại giao, chính trị, quân sự, luật quốc tế, tuyên truyền dư luận, là sự thách thức đối với sức mạnh chiến lược biển tổng hợp của Trung Quốc.

Nhân dân Nhật báo thừa nhận về ngoại giao, do vấn đề biển Đông đã được quốc tế hóa, Trung Quốc cần điều chỉnh tâm thế, không cần né tránh, cần tích cực phát ngôn trên các diễn đàn quốc tế, cố gắng xóa bỏ chiêu bài “rỏ nước mắt để được rủ lòng thương” của Philippines và các quốc gia khác. Về mặt quân sự, cần tiếp tục tăng cường xây dựng lực lượng, năng cao khả năng uy hiếp, ngăn ngừa sự xuất hiện của các thực tế “sự đã rồi” bất lợi cho Trung Quốc.

Tờ báo này còn hiến kế rất thâm hiểm về kinh tế, song song với việc củng cố các thành quả khai thác ở phía Bắc biển Đông, cần tích cực các hoạt động khảo sát và quan trắc ở miền Trung và miền Nam biển Đông, đồng thời triển khai các hoạt động khai thác dầu khí một cách phù hợp, thông qua thế mạnh về công nghệ, vốn, tự chủ khai thác để thúc đẩy cái gọi là “cùng khai thác”. chính sách và động tác của các ban ngành cần có sự phối hợp nhịp nhàng, nắm bắt chuẩn xác “thời cơ” và “độ chín”

Huy Long  - TPO
Theo Nhân dân Nhật báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét