Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015
Philippines: VN khởi xướng đề nghị đối tác chiến lược mới chống TQ
Tổng Thống Philippines Benigno Aquino loan báo rằng chính Hà nội, chứ không phải Manila, là bên đã đưa ra đề xuất hình thành một đối tác chiến lược mới, mà hai nước đang thương thuyết để chống lại ‘các hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo quy mô của Trung Quốc trong Biển Đông’.
Nhà lãnh đạo Philippines đưa ra bình luận vừa kể trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo South China Morning Post, khi nói đến hợp tác chiến lược với Việt Nam, một nước mà theo tờ báo, trong suốt chiều dài lịch sử, đã có quan hệ thù nghịch với Trung Quốc.
Tổng Thống Aquino nói những chi tiết của hiệp định hợp tác chiến lược đang trong vòng hình thành, và tại thời điểm này, ngày ký kết chưa được ấn định.
Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho phóng viên Raissa Robles của tờ South China Morning Post, ông Aquino nói khi có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với một đối tác chiến lược, thì luôn luôn “có chỗ đứng cho một cuộc đối thoại dựa trên lẽ phải, hơn là phản ứng bằng cách xác định lợi ích quốc gia riêng rẽ của mỗi nước.”
Philippines vốn đã có quan hệ liên minh với Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai nước đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về điều mà họ cho là những hành động bành trướng tại Biển Đông. Hồi đầu tháng này, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris Jr., đã bày tỏ hoài nghi về các ý đồ của Trung Quốc khi cho xây điều mà ông mô tả là một “Vạn lý Trường Thành bằng Cát” trên Biển Đông.
Tờ báo Hoa Nam Buổi Sáng hôm 20 tháng Tư tường thuật rằng cuộc tranh chấp Biển Đông đã trở thành đề tài gây căng thẳng chính trị trong vùng, với những tuyên bố chủ quyền chồng chéo giữa 6 nước, kể cả Việt Nam, chủ yếu tập trung quanh các quyền khai thác hải sản và dầu hoả.
Bắc Kinh một mực khẳng định rằng hầu hết vùng Biển Đông trong phạm vi đường 9 đoạn -do chính họ vẽ ra- là thuộc chủ quyền ‘không thể tranh cãi của Trung Quốc. Sự kiện này đã đẩy Philippines tới quyết định yêu cầu Toà án Trọng tài Quốc tế phân xử cuộc tranh chấp, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Dự kiến, Toà án quốc tế tại La Hayes sẽ ra phán quyết trong vòng 6 tháng nữa hoặc vào đầu năm tới. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện, và có phần chắc sẽ không chấp nhận phán quyết của Toà án quốc tế.
Trang mạng GMA.com hôm nay cũng tường thuật tin Philippines và Việt Nam đang hoàn tất những chi tiết cuối cùng của một hiệp định đối tác chiến lược. GMA dẫn lời Bộ trưởng Truyền Thông Philippines Herminio Coloma, cho biết hai nước đang làm việc để xác định những chi tiết của quan hệ đối tác chiến lược được đề nghị.
Hồi đầu năm nay, Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã gặp Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario ở Manila. Trong cuộc gặp, hai bên đã đồng ý củng cố quan hệ song phương. Một khi đã ký kết hiệp định đối tác chiến lược, Philippines và Việt Nam sẽ củng cố hơn nữa các quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh.
Theo trang tin GMA, Trợ lý Ngoại Trưởng Philippines Luis Cruz tiết lộ tại một cuộc họp báo khác rằng Hà Nội còn đề nghị mở một cuộc họp song phương với Philippines trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tuần tới.
Ông Cruz nói nếu cuộc họp mặt diễn ra, thì các động thái mới nhất của Trung Quốc trong Biển Đông chắc chắn sẽ đứng đầu trong nghị trình làm việc.
Nếu hiệp định đối tác chiến lược Việt-Phi được ký kết, và nếu Việt Nam, trong tư cách là một đối tác chiến lược của Philippines, bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc, liệu Manila có trách nhiệm nhập cuộc để giúp đối tác Việt Nam?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á giảng dạy tại Trường Đại học Maine, trả lời câu hỏi đó của Ban Việt ngữ-VOA:
“Theo như hiệp định thì Manila sẽ phải nhập cuộc, nhưng mà nhập cuộc như thế nào thì còn tuỳ khả năng của Manila. Việt Nam chưa có liên minh quân sự với Mỹ, nhưng mà vấn đề liên minh quân sự với Mỹ rất khó khăn là bởi vì những vấn đề lịch sử. Cho nên nếu Việt Nam có liên minh quân sự với Phi Luật Tân, thì trong trường hợp Việt Nam bị tấn công mà Phi Luật Tân vào giúp Việt Nam, thì Mỹ là một nước đối tác chiến lược với Phi Luật Tân, thì lúc đó Mỹ có quyền hỗ trợ cho cả Manila lẫn Việt Nam.”
Cách đây đúng một năm, trong tuyên bố chung đưa sau cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines hôm 21/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói việc
Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và ‘đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định khu vực’.
Được hỏi ông muốn nói gì với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Philippines nói:
“Tôi muốn hỏi thế này, nếu tự đặt mình vào vị thế của nước Philippines chúng tôi, và ngay cả vị thế của Việt Nam, thì ông sẽ đáp trả những thách thức đang diễn ra ở biển Nam Trung Hoa như thế nào? Xin đứng vào vị thế của chúng tôi, rồi sau đó, hy vọng là chúng ta có thể cải thiện quan hệ, đặc biệt liên quan tới các vấn đề gây tranh cãi như vậy.”
Tổng thống Philippines nói thế giới đang theo sát xem Trung Quốc làm gì. Ông nói, tình trạng ổn định ở Biển Đông, phù hợp với các lợi ích của Trung Quốc, bởi vì Biển Đông -mà Philippines gọi là biển Tây Philippines, nằm trên tuyến hàng hải thiết yếu cho thương mại quốc tế, và tính ổn định tại vùng biển này sẽ giúp Trung Quốc cải thiện kinh tế nước họ.
Nguồn: Globalnation, South China Morning Post, GMA.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét