Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Về các đền thờ Hai Bà Trưng tại đất Trung Quốc ngày nay

Biên giới quốc gia ngày nay giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải là cương giới thời cổ. Vì vậy, rất có thể lãnh thổ nước ta thời Trưng Vương đã lan đến gần như toàn bộ khu vực nay là hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và một phần nhỏ của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Tuy nhiên, lãnh thổ này là dựa trên cơ sở kế thừa lãnh thổ nước Nam Việt cũ (tương ứng với bộ Giao Chỉ/châu Giao thời Hán thuộc), chứ thực sự là nó rộng lớn hơn rất nhiều so với thời Văn Lang. Hơn nữa, trong sách “Đại Việt sử ký tiền biên”, Ngô Thì Sĩ có lời bình: “Cho nên tiếc Ngũ Lĩnh, là tiếc cái sau khi bà Trưng mất”. Ngũ Lĩnh là tên hệ thống các dãy núi mà nay chạy qua các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc. Các sử gia thời phong kiến quan niệm: dãy Ngũ Lĩnh chính là ranh giới phía Bắc của nước Việt ta thời nhà Triệu và thời Trưng Vương, ngăn cách với lãnh thổ nhà Hán (Trung Quốc).


Bản đồ nước Văn Lang vào thế kỷ 3 TCN


Bản đồ hành chính các quận phía Đông Bắc nước Nam Việt (khoảng thế kỉ 2-3 TCN)


Bản đồ Lĩnh Nam thời Trưng Vương (40-43 sau Công nguyên)

Thời nhà Triệu nước Nam Việt, phần lớn lãnh thổ Quảng Tây hiện nay là quận Quế Lâm, khu vực tỉnh Quảng Đông là quận Nam Hải, phía tây nam Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam là quận Giao Chỉ. Cũng thời bấy giờ, khu vực Hồ Nam ngày nay chính là nước Trường Sa, chư hầu phiên thuộc nhà Tây Hán.

TRƯỚC thời nhà Triệu thì Quảng Đông, Quảng Tây là đất đai của người Bách Việt (tuy còn hoang sơ, dân cư thưa thớt so với miền Bắc Việt Nam cùng thời), còn Hồ Nam là một phần của nước Sở.

Sau đây là danh sách đền thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh tại lãnh thổ miền nam Trung Quốc bây giờ:

1. Tại Quảng Đông:

* Thờ Hai Bà Trưng: Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Người dân đã dựng đền thờ Trưng Nữ Vương ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc (nay ở Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có.”

Phiên Ngung là kinh đô nước Nam Việt xưa, nay là thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

* Thờ các tướng lĩnh: Hiện nay, tại quận Khúc Giang thuộc địa cấp thị Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông còn đền thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng là Đàm Ngọc Nga, tước Nguyệt Điện Tế Thế công chúa, giữ chức Tiền Đạo tả tướng quân, phó thống lĩnh đạo binh Nam Hải. Tại đây còn nhiều di tích trong trận chiến long trời lở đất của bà với quân Mã Viện.

Cũng tại Khúc Giang, còn có đền thờ nữ tướng Trần Thị Phương Châu, tước Nam Hải công chúa. Bà tuẫn tiết tại đây vào đầu cuộc khởi nghĩa năm 39. Sử Việt có ghi vào năm 1288, vua Trần Nhân Tông đã sai Đại thần Đoàn Nhữ Hải qua Khúc Giang trùng tu đền thờ bà.

Tại Quảng Đông còn nhiều đền thờ nữ tướng Nguyễn Thánh Thiên, tước Thánh Thiên công chúa, giữ chức Bình Ngô đại tướng quân, thống lĩnh binh mã trấn thủ vùng Nam Hải. Bà hi sinh tại vùng này vào năm 42.

Tại dọc bờ biển các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và đảo Hải Nam có nhiều đền thờ nữ tướng Trần Quốc (Nàng Quốc), tước Gia Hưng công chúa, giữ chức Trung Dũng đại tướng quân, Đô đốc, trưởng quản thuỷ quân trấn bắc Nam Hải. Bà có trận thuỷ chiến lẫy lừng ở quận Uất Lâm (nay thuộc Quảng Tây). Dân các vùng này đã tôn bà là Giao Long Tiên Nữ giáng trần vì bà rất hiển linh.

Nguồn:http://diendannguoivietquocgia.com/N…icle%20168.htm

2. Tại Quảng Tây:

* Thờ Hai Bà Trưng: Nhà báo Phạm Hồng cho biết, ông đã thấy những ngôi đền thờ “Mụ Trưng”, “Mụ Trắc” trên đất Quảng Tây.

Nguồn: http://kienthuc.net.vn/phong-thuy/tr…ba-120434.html

* Thờ các tướng lĩnh: Tại Quảng Tây cũng còn nhiều đền thờ nữ tướng Nguyễn Thánh Thiên, tước Thánh Thiên công chúa, giữ chức Bình Ngô đại tướng quân, thống lĩnh binh mã trấn thủ vùng Nam Hải. Bà hi sinh tại vùng này vào năm 42.

Nguồn: http://diendannguoivietquocgia.com/N…icle%20168.htm

3. Tại Hồ Nam:

* Thờ Hai Bà Trưng: Trên đất Trung Quốc mà lại có đền thờ Bà Trưng? Lạ, nhưng có thật. Vì nguồn thông tin này do hai nho sĩ Việt Nam từng đi sứ sang Trung Quốc, từng nhìn thấy ngôi đền và ghi chép lại trong thơ văn của họ. Đó là Nguyễn Thực và Ngô Thì Nhậm.

Nguyễn Thực (1554 – 1637) người làng Vân Điềm (tên nôm là làng Đóm), nay thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Ông đỗ tiến sĩ nhị giáp khoa thi đình đầu tiên của nhà Lê Trung hưng mở tại Thăng Long (năm 1595).

Nguyễn Thực là vị quan thanh liêm, chính trực, được người đương thời trọng vọng. Trong thời gian được cử đi sứ sang Trung Quốc, ông có làm một số thơ, nhưng sau đó bị thất lạc.

Tới thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn sưu tầm được 10 bài, trong đó có 4 bài làm trong thời gian đi sứ. Trong 4 bài này, có một bài cho biết là ở Trung Quốc, phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh có đền thờ Trưng Vương. Đó là bài “Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh” (về Nam đến rặng núi Ngũ Lĩnh):

Ngũ Lĩnh điêu nghiêu trấn Việt thùy
Hứa đa cảnh trí chiếm thanh kỳ
Uất thông đông hậu thùy thiên cán
Nùng diễm xuân tiền mai nhất chi
Đồng trụ Trưng vương lưu cựu tích
Thạch nhai Trưng tướng phục tùng từ
Phong cương tự cổ phân trung ngoại
Thậm tiễn thiên công xảo thiết thi

Dịch:

Núi Ngũ Lĩnh chất ngất trấn ở vùng biên cương đất Việt
Biết bao cảnh trí tươi tắn kỳ lạ
Sau mùa đông ngàn cây tùng xanh um
Trước mùa xuân một nhành mai diễm lệ
Cột đồng còn lưu dấu cũ Trưng Vương
Đường đá nghiêng bên ngôi đền Trưng tướng
Chốn biên cương từ xưa phân rõ trong, ngoài
Rất phục thợ trời sao khéo đặt bày

Tác giả viết bài này khi về tới dãy núi Ngũ Lĩnh ở Trung Quốc, tức dãy núi làm ranh giới hai nước Sở, Việt thời cổ. Sở là khu vực tỉnh Hồ Nam (phía Nam hồ Động Đình) và Việt là khu vực tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay. Về tứ thì đây là bài thơ đẹp một cách hồn hậu. Có thể, khi đó là cuối mùa đông nhưng gió xuân đã thổi nên tùng bách vẫn xanh um, mà một bông hoa mai trắng đã nở chào mùa xuân mới đang tới.

Song, chúng tôi lại lưu ý tới một chi tiết về lịch sử ở câu thứ 5 – Cột đồng lưu dấu cũ Trưng Vương. Trưng Vương ở đây chính là vua bà Trưng Trắc của chúng ta, người đã giành lại độc lập cho đất nước và làm vua trong 3 năm, từ năm 40 đến 43.

Cột đồng là muốn nhắc lại việc Mã Viện cướp các trống đồng đất Việt, đúc thành cột dựng ở một số nơi để ghi chiến công (cũng như đem về Trường An đúc ngựa đồng đặt ở cung vua).

Còn dấu cũ Trưng Vương, hẳn là dùng để chỉ ngôi đền đã được dựng lên để thờ vị nữ anh hùng của dân Việt. Nói rằng đó là ngôi đền thờ bà Trưng vì còn một chứng cứ nữa. Đó là điều mà hai thế kỷ sau Ngô Thì Nhậm có dịp nhắc lại khi ông đi sứ.

Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) quê ở Tả Thanh Oai (tên nôm là làng Tó) nay thuộc huyện Thanh Trì. Năm 1793, ông có đi sứ nhà Thanh, có sáng tác tập Hoàng Hoa đồ phả – một tập thơ có cả những bức vẽ. Trong tập đó có một bài nhan đề Phân Mao lĩnh (Núi Phân Mao):

Nhất đái thanh sơn Sở, Việt giao
Hoàng Mao dịch lộ nhậnPhân Mao
Thiên thư bất tận Hành Sơn Lĩnh
Địa khí hoàng phù Nhạn Trạch Mao
Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ
Uy đà quế đố lạc sơn sào
Phong lai giải uấn tay nam lợi
Vị ứng Hùng Bi vạn nhận cao

Nghĩa là:

Một dải núi xanh ở nơi giáp giới với Sở và Việt
Trên đường đến trạm Hoàng Mai nhận ra đó là núi Phân Mao
(Ranh giới của Trung Hoa là do) Sách trời định ra không quá núi Hành Sơn (1)
Khí đất làm trôi ngược lông chim nhạn ở Nhạn Trạch (về phía nam)
Lưỡi kiếm của bà Trưng mở ra động phủ
Sâu quế của Triệu Đà còn đầy trong hang núi
Gió từ tây nam làm nguôi cơn nồng
Coi thường núi Hùng Bi dù cao tới muôn sải (2)

Ngô Thì Nhậm có lời chú thích rằng: “Núi Phân Mao ở địa giới Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, có cỏ mao rẽ hai ngả Nam Bắc, trên đường đi có biển đề Phân Mao lĩnh”.

Như vậy thì núi này là chỗ ranh giới hai nước Sở, Việt. Như đã nêu ở trên, Sở là khu vực tỉnh Hồ Nam và Việt là khu vực hai tỉnh Lưỡng Quảng ngày nay. Và vậy là, theo bài thơ này, tại Hồ Nam có đền thờ bà Trưng Trắc.

Không rõ về sự kiện này thì Ngô Thì Nhậm rút từ tư liệu nào? Chính sử Việt Nam và Trung Quốc không có ghi chép gì về sự kiện đó. Có thể đó chỉ là truyền thuyết? Nhưng cơ sở để hình thành truyền thuyết này thì có thể giải thích được.

Các sách chính sử có ghi là sau khi Mã Viện hoàn thành công việc xâm lăng đã bắt trên 300 cừ suý (có thể hiểu là “tướng lĩnh cừ khôi”) người Việt đưa về Trung Quốc, an trí tại Linh Lăng. Linh Lăng chính là phần đất phía Nam tỉnh Hồ Nam.

Số ba trăm cừ suý đó, tất phải là các thủ lĩnh nghĩa quân, tướng lĩnh của Hai Bà và các lạc hầu, lạc tướng, đã kiên quyết chống lại quân Mã Viện. Những người dân Việt yêu nước này, tuy bị đầy ải xa quê hương nhưng vẫn hướng về đất Tổ, lập “miếu Bà Trắc” để tưởng nhớ thủ lĩnh của mình, thể hiện ý chí bất khuất của người Việt.

Những câu chuyện về cuộc khởi nghĩa kháng chiến ngày đó tất cũng được lưu truyền trong cộng đồng đó, nhưng rồi trải qua bao đời, chuyện bị “khúc xạ”, trở thành truyền thuyết Hai Bà Trưng đánh Mã Viện trên đất Hồ Nam.

Miếu Bà Trắc ở bên hồ Động Đình đúng là biểu tượng hiên ngang bất khuất của người Việt thời Hai Bà Trưng, dù bị tách khỏi quê hương. Còn về cột đồng được nhắc tới trong thơ Nguyễn Thực thì có thể hiểu là Mã Viện sau khi an trí các cừ suý Việt ở Linh Lăng thuộc Hồ Nam, Ngũ Lĩnh thì cho dựng một (hoặc nhiều) cột đồng để tự biểu dương chiến công. Nhưng các cừ suý Việt đã xây ngay đền thờ Hai Bà ở chỗ có cột đồng nọ để khẳng định bản lĩnh của cộng đồng mình.

Dù sao, “Miếu thờ Trưng Vương” ở đất Hồ Nam là có thật.

Báo hanoimoi.com.vn
– – – – – – – –
(1) Hành Sơn: tên dãy núi trùng điệp trên địa bàn huyện Hành Dương.
(2) Hùng Bi là một dãy núi ở huyện Kỳ Dương, huyện cực Nam của tỉnh Hồ Nam.

Nguồn: http://www.nguyenthaihocfoundation.o…ngnuvuong4.php

* Thờ các tướng lĩnh: Nữ tướng Phật Nguyệt, được Trưng Vương phong làm Phật Nguyệt công chúa, giữ chức Thao Giang Thượng tả tướng thuỷ quân, Chinh Bắc đại tướng quân, tổng trấn khu hồ Động Đình – Trường Sa. Bà có trận đánh kinh hồn chiến thắng Mã Viện, Lưu Long và Đoàn Chí ở hồ Động Đình (nay ở phía Đông Bắc tỉnh Hồ Nam). Hiện di tích về bà còn rất nhiều: tại chùa Kiến Quốc thuộc thành phố Trường Sa (thủ phủ tỉnh Hồ Nam), tại ngôi chùa trên núi Thiên Đài trong hệ thống dãy núi Ngũ Lĩnh.

Tại cửa Thẩm Giang chảy vào hồ Động Đình còn có miếu thờ nữ tướng Trần Thiếu Lan. Cả ngàn năm qua, mỗi lần sứ thần của Việt Nam đi ngang qua đều vào tế lễ bà. Hiện nay cũng còn một ngôi mộ mang tên bà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét