Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

Mỹ – Trung và một cuộc chiến khác

Việc Trung Quốc bị cáo buộc “đánh cắp” tài sản trí tuệ, nhất là các thành quả công nghệ của Mỹ không phải là một điều quá mới. Ước tính, các công ty Mỹ mất khoảng 600 tỷ USD hàng năm tiền bản quyền liên quan đến những thứ mà họ dày công nghiên cứu và phát triển.


Gần đây, giới công nghệ đang sục sôi với việc một sĩ quan tình báo cấp cao thuộc Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc bị bắt tại Bỉ và bị dẫn độ về Mỹ. Viên sỹ quan này bị cáo buộc gián điệp và đánh cắp bí mật thương mại và thông tin từ General Electric Aviation – công ty Mỹ dẫn đầu trong ngành hàng không vũ trụ.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, sĩ quan Yanjun Xu, đang phải đối mặt với các tội danh gián điệp kinh tế. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ dẫn độ một nhân vật thuộc chính phủ Trung Quốc từ một nước khác về Mỹ để đưa ra tòa xét xử.

Bí mật nào là an toàn?

Các vụ gián điệp Trung Quốc ăn cắp bí mật thương mại của Mỹ không phải là điều hiếm thấy. Trên thực tế, Mỹ đã từng bỏ tù rất nhiều công dân Mỹ gốc Trung Quốc vì tội danh này. TS. Tao Li, một nhà khoa học đã nhập quốc tịch Mỹ, bị kết tội tiếp nhận bí mật nghiên cứu thuốc chống ung thư từ công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK). Sau đó, TS Tao Li đã tuồn những thông tin này cho TS. Yu Xue (cũng là một người Mỹ gốc Trung Quốc) khi ông này làm việc tại phòng nghiên cứu của GSK. Yu Xue đã bị kết tội một tháng trước khi Tao Li ra tòa.

Mục đích của hai người này là tuồn thông tin về Trung Quốc và mở một công ty cạnh tranh với GSK mang tên Renopharma đặt tại Nam Kinh. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Renopharma được hỗ trợ tài chính từ chính phủ Trung Quốc.

Vào đầu tháng Tám vừa qua, một kỹ sư Mỹ gốc Hoa của GE tên Xiaoqing Zheng cũng đã bị bắt và buộc tội lấy trộm công nghệ mật và chuyển về Trung Quốc hàng nghìn tài liệu quý giá liên quan đến công nghệ tua bin. Điều đặc biệt là, khi đang làm việc cho GE, Zheng sở hữu ít nhất một công ty ở Trung Quốc nghiên cứu về công nghệ tương tự như những gì ông đang làm tại GE. Thậm chí, FBI còn tìm thấy một sổ tay về hoạt động gián điệp của Trung Quốc, trình bày chi tiết những mức thưởng cho những ai mang công nghệ về nước.

Cảnh giác và ngăn chặn

“Made in China 2025” (MIC 2025) là một kế hoạch chiến lược của chính phủ Trung Quốc kéo dài 10 năm và được công bố vào năm 2015 nhằm nâng cấp ngành công nghiệp Trung Quốc, nâng tầm quốc gia này thành một cường quốc toàn cầu. Đây là nỗ lực để chuyển dịch nền sản xuất của Trung Quốc lên cao hơn trong chuỗi giá trị, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao. Kế hoạch này không chỉ khẳng định rằng chính phủ đóng vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế, nó còn minh họa ý định của Trung Quốc tận dụng hệ thống pháp lý để ủng hộ các công ty trong nước đánh bại các công ty nước ngoài trong một số ngành nghề nhất định.

Mối lo lớn nhất đối với phương Tây, đó là thông qua kế hoạch MIC 2025, Trung Quốc có thể khuyến khích việc đánh cắp các công nghệ hiện đại khác nhau từ những công ty lớn của nước ngoài, nhất là Mỹ.

Vào cuối tháng Chín, một bài báo trên tờ South China Morning Post đặt ra câu hỏi liệu kế hoạch thống trị ngành công nghiệp công nghệ cao có phải là một mối đe dọa lớn đối với phương Tây hay không. Bài báo đưa ra ví dụ về một startup ít người biết đến ở Trung Quốc tên Redcore. Hồi tháng Tám, Redcore tự hào công bố rằng nó đã “phá vỡ sự độc quyền của Mỹ” trên thị trường công nghệ với việc phát triển thành công một ứng dụng trình duyệt web của riêng mình.

Nhưng tuyên bố của startup có trụ sở tại Bắc Kinh này sớm bị bỏ ngoài tai do các chuyên gia đã tìm thấy dấu vết của trình duyệt Google Chrome trong phần mềm trình duyệt web của Redcore. Bài báo tiếp tục nhấn mạnh sự chỉ trích lâu naycủa phương Tây về chiến thuật chuyển giao công nghệ và lấy trộm tài sản trí tuệ của Trung Quốc, cũng như khoảng cách mà quốc gia này cần phải thu hẹp với Mỹ nếu như tiếp tục muốn nuôi hy vọng trở thành siêu cường quốc về công nghệ.

Cũng theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Miao Wei vào năm 2015, ông thừa nhận Trung Quốc cần 30 năm mới có thể phát triển để trở thành siêu cường trong ngành sản xuất và MIC 2025 chỉ là những bước của mục tiêu này, nó không mang thông điệp mạnh mẽ như những gì người ta nghĩ.

Với những gì đã và đang xảy ra, khả năng Trung Quốc tiếp tục lấy trộm tài sản trí tuệ từ Mỹ là hoàn toàn có thể. Trước mối nguy cơ hiện hữu này, gần đây Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã có những bước đi cần thiết để từng bước ngăn chặn vấn nạn này trước khi quá muộn.

Trung Quốc quyết theo đuổi cuộc chiến thương mại với Mỹ

Ngày 14/10, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết, Bắc Kinh không còn cách nào khác ngoài việc phải đáp trả …

Trung Quốc không dùng Nhân dân tệ để giải quyết xung đột với Mỹ
Trung Quốc tuyên bố sẽ không dùng Nhân dân tệ làm “vũ khí” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Mỹ khẳng định căng thẳng thương mại với Trung Quốc không đe dọa kinh tế toàn cầu
Ngày 13/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng những biện pháp thuế quan gây sức ép để Trung Quốc mở cửa hơn …

Quang Đào

(tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét